banner
Xuất khẩu khởi sắc khi các cửa khẩu biên giới hoạt động trở lại
 

Mở cửa biên giới - cơ hội cho hàng xuất khẩu

Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam 2022 đạt kỷ lục 732 tỷ USD, tăng tới 10% so với năm 2021. Đây là một điểm sáng ấn tượng của kinh tế năm vừa qua giữa bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu. Đặc biệt hơn, Việt Nam có mức xuất siêu vượt 11 tỷ USD. Trong đó, các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thực sự là một điểm nhấn khi giá trị xuất siêu chiếm tới 2/3 tổng giá trị xuất siêu của cả nước.

Lần đầu tiên sau hơn 20 năm tham gia thị trường xuất khẩu, thủy sản chính thức gia nhập "câu lạc bộ" xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Hầu hết xuất khẩu sang các thị trường như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc... đều tăng trưởng hai con số trở lên.

Năm 2022, Trung Quốc là nước có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất với Việt Nam với 177,7 tỷ USD. Như vậy, xuất nhập khẩu của Trung Quốc chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Đáng chú ý, đây là thị trường tiêu thụ chủ lực của nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại từ đầu năm 2023 mang đến kỳ vọng lớn cho các doanh nghiệp, ngành hàng, nhất là rau quả, thủy sản, xơ sợi, xi măng, cao su, thép, dệt may...

Từ 8/1, các cửa khẩu quốc tế giáp với Trung Quốc sẽ mở cửa toàn diện các hoạt động, sau gần 3 năm gián đoạn vì dịch Covid-19

Thủy sản được xem là ngành có lợi lớn khi Trung Quốc mở cửa thị trường. Nhận định này được đưa ra từ thực tế việc xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng trưởng trong suốt 2 năm chịu tác động vì dịch bệnh và chính sách thắt chặt kiểm dịch. Chính vì vậy, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đánh giá nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng khi việc đi lại tại nước này cũng được nới lỏng. Dự báo, kim ngạch sẽ còn tăng trong năm sau.

"Chúng tôi đã đặt hàng một số chuyên gia họ sẽ vào Trung Quốc vào thời điểm đó để có đánh giá và dự báo cho thị trường này. Chúng tôi hy vọng năm nay, thị trường này đạt 1,6 tỷ USD thì năm sau có thể cao hơn", ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, cho biết.

Không chỉ là thị trường tiêu thụ lớn nhất, Trung Quốc cũng là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của thế giới. Vì vậy, thông tin mở cửa thị trường còn được kỳ vọng sẽ giúp giải quyết các nút thắt về giá cung ứng nguyên vật liệu trong chuỗi sản xuất, nhất là linh kiện, máy móc thiết bị và dệt may.

"Covid-19 đã gây căng thẳng đến giá nguyên vật liệu vì những tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng. Dù sao Trung Quốc vẫn là nơi cung ứng nguyên vật liệu cho nhiều nhà máy trên thế giới, đáp ứng được tiêu chí số lượng, chất lượng và giá cả. Khi giá nguyên liệu tốt hơn, giá thành cũng cạnh tranh hơn", ông Yutaka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam, cho hay.

Trong khi đó, Công ty CP Chứng khoán Agribank (Agriseco) đánh giá, các DN Việt Nam dự báo xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ sau khi Trung Quốc mở cửa biên giới từ ngày 8/1/2023. Trong đó, sản phẩm được dự báo tăng mạnh gồm: Tôm hùm, tôm thẻ, tôm sú, cua... Năm 2022, nhiều sản phẩm thủy sản giá trị cao bị tắc ở đường biển, phần lớn vận chuyển theo đường bộ. Do vậy, khi Trung Quốc mở cửa trở lại các cửa khẩu đường bộ, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sẽ rất thuận lợi, rút ngắn được thời gian, chi phí.

Theo đó, nhóm doanh nghiệp có thể hưởng lợi bao gồm: Cơ khí, dệt may, da giày, điện tử, ô tô. Mặt khác, giá một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào có thể tăng trở lại khi nhu cầu hồi phục như: Sắt thép, xi măng, kim loại cơ bản cũng sẽ cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp.

Thách thức cùng cơ hội

Sự mở cửa của kinh tế Trung Quốc, bên cạnh giúp các doanh nghiệp mua hàng dễ hơn, chiều ngược lại, nó cũng đặt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh mạnh hơn trong thời gian tới.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong năm 2022, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong đó, máy tính, linh kiện, máy móc, phụ tùng là những nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường này. Vì vậy, thách thức cũng sẽ là không nhỏ cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam để hiện thực mục tiêu nội địa hóa 65 - 70% trong các năm tới. Ngoài ra còn là những thách thức khác khi Việt Nam đang phải nhập khẩu đầu vào quá nhiều.

Xuất khẩu khởi sắc khi các cửa khẩu biên giới hoạt động trở lại
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo điều kiện cho nhiều ngành hàng xuất nhập khẩu, nhưng cũng đặt các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Việt Nam vào thách thức cạnh tranh hơn

Những sự thay đổi và dịch chuyển trong chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19 đã khiến Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam xây dựng kế hoạch có thể tăng mua hàng nội địa. Tuy nhiên, việc này lại gặp trở ngại khi khả năng đáp ứng của doanh nghiệp nội cả về chất lượng và số lượng còn hạn chế.

"Khi làm việc với các nhà cung ứng Việt Nam, ví dụ khi được hỏi, họ có thể đáp ứng được 100 chiếc nhưng chúng tôi lại muốn khoảng gấp 100 lần, họ sẽ không đủ thiết bị để đáp ứng", ông Yutaka Watanabe, Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp Towa Việt Nam, cho biết.

Nhận định về triển vọng xuất khẩu, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải dự báo, ngay trong tháng 12/2022 và tháng 1/2023, hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ cải thiện mạnh mẽ. Đơn cử, xuất khẩu rau quả, thủy sản, gạo… của Việt Nam sang Trung Quốc tăng cao nhờ nhu cầu tăng trong dịp Tết Nguyên đán và lượng xe làm thủ tục thông quan xuất khẩu sang Trung Quốc tăng dần.

“Trên thực tế, từ đầu tháng 12/2022, Trung Quốc đã bắt đầu nới lỏng dần các biện pháp phòng, chống Covid-19 và dự kiến mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào quý II/2023. Về tổng thể, điều này sẽ tác động tích cực lên hoạt động của nhiều DN Việt Nam”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Mới đây, Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đã có thông báo cập nhật thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc đến các DN Việt Nam đang xuất khẩu vào nước này. Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo, bắt đầu từ 8/1/2023, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm axit nucleic phòng, chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này, bao gồm hàng hóa đông lạnh.